Thỏa thuận trọng tài là gì? Tại sao chưa phổ biến tại Việt Nam?

0
1250
Đánh giá post

Tranh chấp thương mại chỉ được giải quyết theo phương thức trọng tài thương mại chỉ khi các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài. Vậy thỏa thuận trọng tài là gì? Vì sao thỏa thuận về trọng tài chưa phổ biến tại Việt Nam? Hãy cùng tìm hiểu về thoả thuận trọng tài qua bài viết dưới đây của Công ty Luật TNHH Everest.

thỏa thuận trọng tài
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Thỏa thuận trọng tài là gì?

Thoả thuận trọng tài được định nghĩa theo Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.

Tại sao thỏa thuận trọng tài chưa phổ biến tại Việt Nam?

Thứ nhất, quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại với quy định của một số lĩnh vực pháp luật khác vẫn chưa đồng bộ. Mặc dù thể chế về tổ chức, hoạt động trọng tài đã từng bước được hoàn thiện nhưng một số nội dung chưa thống nhất và chưa có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc hủy phán quyết trọng tài của Tòa án.

Thứ hai, cơ sở vật chất của phần lớn các trung tâm trọng tài chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu để phục vụ cho hoạt động của các trọng tài viên và công tác quản lý, điều hành của một số trung tâm còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa hiệu quả.

Thứ ba, hiểu biết và nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhất là cộng đồng doanh nghiệp về phương thức giải quyết này vẫn còn chưa đầy đủ bởi Trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại mới được hình thành ở nước ta.

Thứ tư, các căn cứ pháp lý để hủy phán quyết trọng tài còn được hiểu chưa thống nhất, dẫn đến việc xảy ra tình trạng hủy phán quyết trọng tài trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc chậm thi hành phán quyết trọng tài cũng như tỷ lệ đơn yêu cầu phán quyết trọng tài được thi hành trên thực tế chưa cao đã làm cho hoạt động trọng tài kém sự hấp dẫn.

Hình thức thỏa thuận trọng tài

Hình thức của thỏa thuận trọng tài được quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010. Theo đó, thỏa thuận về trọng tài được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng nhưng đều phải dưới dạng văn bản.

Khái niệm “văn bản” của thỏa thuận về trọng tài được mở rộng hơn, bao gồm:

(i) trao đổi giữa các bên bằng thư điện tử, telegram, telex, fax, và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

(ii) trao đổi thông tin bằng văn bản.

(iii) văn bản được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng theo yêu cầu của các bên.

(iv) văn bản thể hiện thỏa thuận về trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác.

(v) thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ.

Quy định này đã tạo điều kiện cho việc thừa nhận giá trị của thỏa thuận về trọng tài, giảm thiểu khả năng xảy ra tranh chấp về hình thức của thỏa thuận về trọng tài trên thực tế.

Quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng

Theo Điều 17 Luật Trọng tài thương mại 2010, người tiêu dùng được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ kể cả khi thỏa thuận về trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được khởi kiện tại Trọng tài khi được người tiêu dùng chấp thuận. Quy định này giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi nào?

Theo Điều 18 Luật Trọng tài thương mại, thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu trong các trường hợp sau:

(i) Lĩnh vực mà tranh chấp đó phát sinh không thuộc thẩm quyền của Trọng tài.

(ii) Chủ thể xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền hoặc không có năng lực hành vi dân sự.

(iii) Thỏa thuận về trọng tài được xác lập dưới hình thức không phù hợp.

(iv) Trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài, một trong các bên bị lừa dối, cưỡng ép, đe doạ và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.

(v) Thỏa thuận về trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

Thỏa thuận về trọng tài vô hiệu sẽ dẫn đến hậu quả là vụ việc không được giải quyết tại trọng tài. Nếu các bên không thỏa thuận lại thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết theo một trong ba hình thức giải quyết tranh chấp còn lại theo luật tố tụng là thương lượng, hòa giải và Tòa án.

Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được

Các trường hợp thỏa thuận về trọng tài không thể thực hiện được quy định tại Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP bao gồm:

(i) Các bên đã thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và không thỏa thuận lựa chọn được Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.

(ii) Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như đã thỏa thuận của các bên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác thay thế.

(iii) Tại thời điểm xảy ra tranh chấp Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên hoặc chính Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định, đồng thời các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc.

(iv) Các bên thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài mà các bên đã thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp và điều lệ của Trung tâm trọng tài đó không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên cũng không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.

(v) Người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp theo Điều 17 Luật Trọng tài thương mại.

Một số câu hỏi về thỏa thuận trọng tài

Thỏa thuận trọng tài được lập khi nào?

Thỏa thuận về trọng tài theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì có thể được lập tại hai thời điểm là trước khi xảy ra tranh chấp hoặc sau khi xảy ra tranh chấp giữa các bên trong quan hệ tranh chấp. Trên thực tế, hầu như thỏa thuận về trọng tài được xác lập trước khi xảy ra tranh chấp, bởi lẽ sau khi đã có tranh chấp xảy ra thì việc các bên có thể ngồi lại và đi đến được một thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là điều không dễ. Tuy nhiên pháp luật vẫn ghi nhận cả hai thời điểm xác lập thỏa thuận về trọng tài. Như vậy, thỏa thuận về trọng tài khác các sự kiện làm phát sinh quan hệ tố tụng (khởi kiện) chính ở chỗ nó có thể được xác lập từ khi chưa có tranh chấp.

Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài

Theo Điều 19 Luật Trọng tài thương mại, hiệu lực của thỏa thuận về trọng tài không phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng. Kể cả khi hợp đồng bị thay đổi, gia hạn, hủy bỏ, vô hiệu hay không thể thực hiện được thì thỏa thuận về trọng tài vẫn có giá trị. Cho dù được thể hiện dưới hình thức một điều khoản nằm trong hợp đồng chính hay dưới hình thức văn bản riêng đi kèm hợp đồng chính thì thỏa thuận về trọng tài cũng chính là một hợp đồng nhỏ có nội dung khác biệt, độc lập với hợp đồng chính.

Tìm hiểu thêm các kiến thức về Luật Trọng tài.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here