Bất cập của quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa

0
81
Đánh giá post

Tình hình mua bán hàng hóa càng phát triển dẫn đến sự đa dạng và phức tạp về chủ thể, hình thức, nội dung hợp đồng. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam điều chỉnh về vấn đề này còn nhiều bất cập và vướng mắc khiến cho chủ thể “khó” áp dụng pháp luật về hợp đồng. Trong bài viết này, chúng sẽ cùng tìm hiểu một số điểm bất cập của quy định pháp luật Việt Nam về Hợp đồng mua bán hàng hóa (cụ thể là Bộ luật dân sự 2015 và Luật Thương mại năm 2005) 

1- Sự “trùng lặp” giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật thương mại năm 2005.

Luật thương mại năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015 có các quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa. Nhận thấy rằng rất nhiều các quy định trùng lặp giữa LTM và BLDS, ví dụ như quy định về giao kết hợp đồng, các điều khoản cơ bản, giải quyết tranh chấp, hình thức hợp đồng. Đối với riêng quy định về hợp đồng mua bán, quy định trong LTM năm 2005 trùng lặp đến gần 80% so với các quy định trong BLDS năm 2015.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh – chuyên gia dự án USAID đã đề nghị bãi bỏ nhiều nội dung, nhất là về chế định hợp đồng, vì nhiều nội dung đã được quy định tại các luật khác, đặc biệt là BLDS. Điều này tạo ra sự chồng chéo không cần thiết trong hệ thống pháp luật Việt Nam và sự khó khăn, phức tạp trong áp dụng luật. Đây là lý do nhiều quy định của LTM năm 2005 bị sử dụng hạn chế trong thực tiễn kinh doanh.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài

2- Sự “không thống nhất” giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật thương mại năm 2005.

[a] Quy định khác nhau về chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm. 

Hiện nay BLDS quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại và các quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ là cho phép các bên thỏa thuận về mức bồi thường, nếu không có thỏa thuận về mức bồi thường thì thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thực tế phát sinh từ hành vi vi phạm. Trong khi đó, LTM 2005 quy định thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thực tế, trực tiếp phát sinh từ hành vi vi phạm.

Sự không thống nhất giữa hai văn bản luật nêu trên sẽ dẫn đến trường hợp tranh chấp không thể giải quyết được trên thực tiễn. Ví dụ, trong hợp đồng thương mại giữa công ty A và công ty B về việc mua bán hàng hóa có thỏa thuận: “Bên nào vi phạm hợp đồng mà gây ra thiệt hại thực tế cho bên bị vi phạm thì sẽ phải bồi thường cho bên bị vi phạm 1 tỷ đồng.” Vậy thỏa thuận này có hợp pháp không và nếu có hành vi vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại thực tế cho bên bị vi phạm khoảng 200 triệu đồng thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu đòi bồi thường 1 tỷ đồng theo thỏa thuận không?

Ngoài ra Điều 310 LTM năm 2005 quy định “giới hạn mức tối đa của phạt vi phạm là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm”. Theo quy định này trong trường hợp các bên có thỏa thuận mức phạt vi phạm thì dù thiệt hại có lớn bao nhiêu đi nữa thì bên vi phạm chỉ phải trả tiền tối đa 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm. Điều này là trái với BLDS năm 2015 và không phù hợp với pháp luật quốc tế bởi ở các quốc gia khác không hạn chế mức phạt vi phạm và mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận khi ký kết hợp đồng. 

Phạt vi phạm, theo nguyên tắc thực hiện hai chức năng: Thứ nhất là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; thứ hai là hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Do đó, LTM năm 2005 không thật sự phù hợp với mục đích vừa nêu trên. Thêm nữa, việc quy định mức phạt 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế. Có thể thấy chủ thể tham gia hoạt động thương mại là những người kinh doanh chuyên nghiệp, vì vậy khi ký kết hợp đồng họ phải biết được mức thiệt hại nào là có thể nếu nghĩa vụ hợp đồng đó bị vi phạm. 

[b] Quy định khác nhau về chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Vi phạm nghĩa vụ thanh toán là hành vi vi phạm tương đối phổ biến trong các hợp đồng thương mại. Các bên chủ thể của hợp đồng rất quan tâm đến thỏa thuận về lãi suất trong trường hợp chậm thanh toán. Điều 306 LTM năm 2005 cho phép các bên thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng thương mại mà không bị giới hạn mức tối đa. Có chăng chỉ là giới hạn để không cấu thành tội cho vay nặng lãi theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 là gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong BLDS. Trong khi đó, BLDS quy định các bên có quyền thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán nhưng không được vượt quá 20%/năm. Như vậy, BLDS được coi là luật gốc điều chỉnh quan hệ hợp đồng có khống chế mức lãi suất các bên được phép thỏa thuận thì việc thỏa thuận vượt quá mức lãi suất này trong hợp đồng thương mại có phù hợp không?

[c] Quy định về chất lượng của hàng hóa khi các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng rõ ràng.

Điều 39 LTM năm 2005 đưa ra những quy định chung chung để xác định chất lượng của hàng hóa/tài sản khi các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng. Với những cụm từ như: mục đích sử dụng thông thường, cách thức thích hợp, cách thức bảo quản thông thường sẽ gây khó khăn trong việc xác định chất lượng của hàng hóa và giải quyết tranh chấp về chất lượng hàng hóa khi các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng.

BLDS năm 2015 đã khắc phục những nhược điểm về kỹ thuật lập pháp của LTM năm 2005 khi quy định về việc xác định chất lượng hàng hóa trong trường hợp các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản. Theo đó, chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề hoặc được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xem thêm: Dịch vụ thư ký pháp lý từ xa

3- Quy định của Luật Thương mại 2005 về thương nhân – chủ thể chủ yếu xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa chưa phù hợp với bản chất của hoạt động thương mại. 

Khái niệm thương nhân được quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật TM năm 2005 là các tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật.

Khái niệm thương nhân của Luật TM 2005 chưa hợp lý vì lý do: Luật TM 2005 năm không bao quát được giao dịch hợp đồng thương mại của các cá tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại nhưng không thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh. Quy định của LTM 2005 đã không phản ánh được bản chất của hoạt động thương mại là có hoạt động sinh lợi thường xuyên. 

Ngoài ra, hai quy định của LTM 2005 có sự mâu thuẫn: Theo Điều 6, một trong những điều kiện trở thành thương nhân là phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên Điều 7 quy định: Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật là không có logic. Bởi lẽ, khi chưa đăng ký kinh doanh thì tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thương mại chưa được coi là thương nhân. Phải chăng, quy định tại Điều 7 LTM năm 2005 hướng sự điều chỉnh tới các “thương nhân” thực tế là những thương nhân có hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh?

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Bất cập của quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Bất cập của quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here