Quy định về trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại 2010

0
1064
mẫu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Quy định về trọng tài theo luật trọng tài thương mại 2010
Đánh giá post

Với sự ưu việt mà các phương thức hòa giải, trung gian hay tòa án không có, trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến và chiếm ưu thế hiện nay. Vậy trọng tài là gì? Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật TNHH Everest xin chia sẻ với các bạn quy định về trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

trọng tài thương mại
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật trọng tài, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Trọng tài là gì? Trọng tài thương mại là gì?

Trọng tài được hiểu là một phương thức giải quyết các tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các bên có tranh chấp thương mại thỏa thuận lựa chọn để giải quyết.

Trọng tài thương mại được định nghĩa theo Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại.

Đặc điểm Trọng tài thương mại

(i) Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có thỏa thuận giữa các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài.

(ii) Chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là các Trọng tài viên thực hiện thông qua Hội đồng trọng tài gồm một Trọng tài viên độc lập hoặc hội đồng gồm nhiều Trọng tài viên. Trọng tài viên sẽ do các bên thỏa thuận lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp.

(iii) Giải quyết các tranh chấp thương mại bằng Trọng tài đảm bảo sự kết hợp hai yếu tố: thỏa thuận và phán quyết.

(iv) Việc giải quyết các tranh chấp đảm bảo tính bí mật.

Các hình thức trọng tài thương mại

Trọng tài vụ việc

Trọng tài vụ việc được định nghĩa theo Khoản 7 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định với trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận.

Trọng tài vụ việc thường được thành lập do các bên thỏa thuận sau khi tranh chấp đã xảy ra. Trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, các bên tự thỏa thuận cử Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp. Các bên phải tự quy định các quy tắc sẽ điều chỉnh cách thức tiến hành tố tụng trọng tài hoặc lựa chọn quy tắc tố tụng phổ biến nào đó, thông thường là Quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài có uy tín để giải quyết vụ tranh chấp.

Trọng tài quy chế

Trọng tài quy chế được định nghĩa theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 tại Khoản 6 Điều 3 là một hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.

Trong trọng tài quy chế, các bên thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài hoặc một tổ chức trọng tài quy chế giám sát tố tụng theo quy tắc tố tụng trọng tài của tổ chức đó. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ và được thành lập khi có ít nhất 5 sáng lập viên là công dân Việt Nam và đủ điều kiện là Trọng tài viên.

Cơ cấu tổ chức của trọng tài thường trực thường bao gồm:

(i) Bộ phận thường trực (Ban quản trị và phòng thư kí).

(ii) Các Hội đồng trọng tài (được thành lập khi có vụ việc).

(iii) Bộ phận giúp việc.

So sánh trọng tài quy chế và trọng tài vụ việc

Giống nhau

(i) đều là hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài.

(ii) Hoạt động xét xử của Trọng tài quy chế và Trọng tài vụ việc đều được tiến hành bởi các Trọng tài viên.

Khác nhau

Tiêu chí phân biệt

Trọng tài vụ việc

Trọng tài quy chế

Khái niệm

Là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận

Là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó

Cơ sở pháp lý

Khoản 7 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010

Khoản 6 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010

Tổ chức

(i) Không có tổ chức.

(ii) Không có bộ máy.

(iii) Không có trụ sở.

(iv) Không có quy chế riêng.

(v) Không có nguyên tắc tố tụng

(i) Tổ chức thành Trung tâm trọng tài.

(ii) Có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tồn tại độc lập với nhau.

(iii) là tổ chức phi Chính phủ có quy chế riêng và tự quyết định về lĩnh vực hoạt động.

(iv) Có quy tắc tố tụng riêng.

Thành lập và giải thể

(i) Thành lập khi các bên phát sinh tranh chấp thỏa thuận lựa chọn.

(ii) Giải thể sau khi đã giải quyết xong vụ việc tranh chấp.

Thành lập và chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Ưu nhược điểm của Trọng tài thương mại

Ưu điểm

(i) Các bên không thể chống án hay kháng cáo quyết định của Trọng tài vì đây là quyết định chung thẩm, có giá trị bắt buộc đối với các bên. Việc xét xử tại Trọng tài chỉ diễn ra ở một cấp xét xử và Hội đồng trọng tài sau khi tuyên phán quyết xong sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình, chấm dứt sự tồn tại.

(ii) Việc xét xử tại Trọng tài đảm bảo tính bí mật cao, nhờ đó tránh cho các bên nguy cơ làm tổn thương đến mối quan hệ hợp tác làm ăn vốn có, làm giảm đáng kể mức độ xung đột, căng thẳng của những bất đồng. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài diễn ra trong không gian kín và mang nặng tính trao đổi để tìm ra sự thật khách quan của vụ việc, từ đó giúp các bên có thể duy trì được quan hệ đối tác, quan hệ thiện chí đối với nhau.

(iii) Các bên có thể chọn một Hội đồng Trọng tài có năng lực, trình độ và sự hiểu biết vững vàng để giải quyết các tranh chấp của mình.

(iv) Hoạt động xét xử của Trọng tài liên tục do đó tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. Trên thực tiễn, thông thường giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài VIAC kéo dài tối đa là 6 tháng, trong khi đó giải quyết tranh chấp tại Tòa án có thể kéo dài mấy năm.

Nhược điểm

(i) Việc thực thi các kết quả đã đạt được trong quá trình giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài phần lớn phụ thuộc vào sự tự nguyện của bên có nghĩa vụ thi hành mà không có cơ chế pháp lý vững chắc để đảm bảo việc thi hành phán quyết và nếu có thì việc thực thi đó thường phức tạp và tốn kém. Quyết định của trọng tài không nhân danh quyền lực nhà nước mà việc đảm bảo thi hành cần đến sự tự nguyện của các bên vi phạm nên quyết định này cũng khó có thể thi hành được.

(ii) Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Trọng tài có thể gặp những khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp, đặc biệt là những tranh chấp phức tạp, về những vấn đề như : xác minh thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án phán quyết của trọng tài, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, không có quyền kê biên khẩn cấp tạm thời đối với tài sản là đối tượng tranh chấp dẫn tới việc có thể kéo dài hoặc không đảm bảo phong toả tài sản kịp thời để phòng ngừa việc tẩu tán tài sản.

Quản lý nhà nước về trọng tài

Theo Điều 15 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, nội dung quản lý nhà nước về Trọng tài bao gồm:

(i) Ban hành, hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về Trọng tài.

(ii) Cấp, thu hồi Giấy phép thành lập và Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài; Chi nhánh, Văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

(iii) Công bố danh sách Trọng tài viên của các tổ chức trọng tài hoạt động tại Việt Nam.

(iv) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Trọng tài; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trọng tài; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng Trọng tài viên.

(v) Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về Trọng tài.

(vi) Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các hoạt động quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 15 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Việc quản lý nhà nước về trọng tài được thực hiện như sau:

(i) Chính phủ thống nhất việc quản lý nhà nước về Trọng tài.

(ii) Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về Trọng tài.

(iii) Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giúp Bộ Tư pháp thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ và quy định tại Luật Trọng tài thương mại.

Ví dụ về Trọng tài thương mại 

Ngày 10/9/2014, Giám đốc Công ti TNHH An Khê, trụ sở tại Bình Dương và Giám đốc Công ti cổ phần Thân Hưng, trụ sở Hà Nội đã nhân danh hai công ti kí hợp đồng đại lí số 10/HĐ ĐL. Theo thỏa thuận, Công ti cổ phần Tân Hưng làm đại lí bán một số mặt hàng nhựa và điện gia dụng cho Công ti An Khê. Ngoài các nội dung chi tiết của hợp đồng đại lí, các bên còn thỏa thuận tranh chấp phát sinh từ hợp đồng số 10/HĐ ĐL nếu thương lượng không thành sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài thương mại có thẩm quyền theo pháp luật Việt Nam.

Như vậy, trong hợp đồng trên hai bên đã thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, cụ thể là Trọng tài quy chế.

Tìm hiểu thêm về Luật Trọng tài.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here